Ngày 28/6, tại đàn Âm hồn (số 73 Ông Ích Khiêm, phường Thuận Hòa, thành phố Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ tế Âm hồn năm 2024 tưởng nhớ đồng bào, chiến sỹ vong mạng trong biến cố thất thủ Kinh đô năm 1885.
Lễ tế Âm hồn được phục dựng theo nghi thức của triều đình, được ghi lại trên Châu bản dưới thời vua Thành Thái.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Thanh Bình chủ trì lễ tế.
Lễ tế Âm hồn gồm các nghi lễ: Lễ Quán tẩy; lễ Thướng hương; lễ Sơ hiến tửu (dâng rượu lần đầu); lễ Đọc chúc; lễ Hành Á hiến (dâng rượu lần thứ hai); lễ Chung hiến (dâng rượu lần thứ ba); lễ Dâng trà; phần hóa và lễ Tất. Lễ tế Âm hồn là một nghi lễ truyền thống tốt đẹp của người dân tại vùng đất cố đô, đồng thời đề cao giá trị nhân văn.
Các nghi thức trong lễ tế được tổ chức trang trọng. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)
Hằng năm, cứ đến ngày 23/5 Âm lịch, người dân ở Huế tổ chức cúng âm hồn tại đàn Âm hồn và các miếu âm hồn nằm trong khu vực thành nội Huế.
Đây là một nghi lễ cầu cho các vong hồn được siêu thoát. Nghi lễ này là một sinh hoạt tâm linh, đồng thời cũng là nét văn hóa đẹp, đầy tính nhân văn của người dân Huế.
Đàn Âm hồn được vua Thành Thái (trị vì 1889-1907) cho xây dựng vào năm 1894. Đây là nơi thờ tự, cúng tế vong linh các quan viên, binh lính, nam phụ lão ấu tử nạn trong biến cố thất thủ Kinh đô Huế ngày 5/7/1885 (tức ngày 23/5 năm Ất Dậu).
Năm 2013, di tích này đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đều tổ chức tái hiện Lễ tế Âm hồn vào dịp 23/5 Âm lịch để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong sự kiện Kinh đô thất thủ.
Năm 2023, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế triển khai Dự án bảo tồn, tôn tạo và phục hồi thích nghi di tích đàn Âm hồn.
Đội nhã nhạc cung đình tham gia tế lễ. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)Dự án được triển khai trên diện tích hơn 1.100 m2 với quy mô phục dựng một đàn tế chính ở trung tâm, nhà để đồ khí tự, bia đá tưởng niệm, hệ thống cổng và tường rào bảo vệ khuôn viên di tích.
Dự án còn phục hồi, phối trí nội thất gồm 3 án thờ bằng gỗ hương sơn son thếp bạc phủ hoàng kim. Tổng mức đầu tư của Dự án hơn 8,8 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của tỉnh./.